Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều - Phần 2

Thảo luận trong 'Giáo dục' bắt đầu bởi Phạm Trung Tình, 15/10/19.

  1. Phạm Trung Tình

    Phạm Trung Tình Member

    Tham gia ngày:
    3/10/18
    Bài viết:
    31
    Điểm thành tích:
    6
    Giới tính:
    Nam
    II. Tác phẩm:
    1. Nguồn gốc và sự sáng tạo:

    - Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” vào đầu thế kỉ XIX( 1805 –1809). Truyện dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ( Trung Quốc). Lúc đầu, Nguyễn Du đặt tên là “Đoạn trường tân thanh” ( Khúc ca mới đứt ruột hay Tiếng kêu đứt ruột) sau này, người ta quen gọi là “Truyện Kiều”.
    - Một biểu hiện nữa về sự sáng tạo của Nguyễn Du qua “Truyện Kiều” là:
    + “Kim Vân Kiều truyện” viết bằng chữ Hán, thể loại văn xuôi, có kết cấu thành từng chương (hồi). Toàn bộ tác phẩm gồm 20 chương.
    + Đến Nguyễn Du đã trở thành tác phẩm trữ tình,viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát có độ dài 3254 câu. Ông đã có những sáng tạo lớn về nhiều mặt nội dung cũngnhư nghệ thuật.
    2. Tóm tắt tác phẩm: ( Đọc trong sgk )
    - Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước.
    - Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc.
    - Phần thứ ba: Đoàn tụ.
    3. Giá trị nội dung và nghệ thuật:
    a. Về nội dung:
    * Giá trị hiện thực:

    - Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công.
    - Phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.
    * Giá trị nhân đạo: Giá trị chínhcủa “Truyện Kiều” là giá trị nhân đạo. Giá trị này được thể hiện ở hai phương diện sau:
    - “Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người:
    + Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tìnhyêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim – Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
    + Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ.
    + Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh,lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó!
    - “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo,chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực tàn bạo đó, khi là bộ mặt bọn quan lại tham lam, đê tiện, bỉ ổi – đầu mối của mọi xấu xa trong xã hội ( Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh,Sở Khanh, Tú Bà…), có khi lại là sự tàn phá, hủy diệt hung hiểm của đồng tiền trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, trong tay bọn người bất lương tàn bạo đã phát huy tất cả sức mạnh của nó, đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán.
    b. Về nghệ thuật:
    - Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại.
    - Với “Truyện Kiều”,ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnhcao rực rỡ.
    - Với “Truyện Kiều”,nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệthuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách và miêu tả tâm lí con người.

    => Từ tất cả những giá trị nội dung và nghệ thuật của “Truyện Kiều”, chúng ta có thể khẳng định:
    “Truyện Kiều” chính là một kiệt tác trong văn học trung đại nói riêng và văn học dân tộc nói chung.
    * Nhận xét về “Truyện Kiều”, Mộng Liên Đường chủ nhân có nói:
    “…Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết,nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có bút lực ấy…”
    4. Ảnh hưởng của tác phẩm:
    - “Truyện Kiều” hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả.
    +“Truyện Kiều” không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trởthành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị nhất cho đến những người trí thức, am hiểu về văn chương bác học.
    + Trong ca dao, người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng những hình ảnh trong“Truyện Kiều”. Ví dụ:
    “Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
    Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.
    Anh xa em như bến xa thuyền.
    Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!”

    + “Truyện Kiều” đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách của mọi thời. Có câu:
    “Làm trai biết đánh tổ tôm
    Uống trà mạn hảo, xem Nôm Thúy Kiều”.

    - “Truyện Kiều” còn được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.Người ta đã dịch“Truyện Kiều” ra nhiều thứ tiếng và nhiều người nước ngoài đã nghiên cứu về “Truyện Kiều”.
    III. Tổng kết:
    - Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
    - “Truyện Kiều” là một kiệt tác văn học, được lưu truyền rộng rãi và chinh phục nhiều thế hệ người đọc từ xưa đến nay.
    - Rất nhiều những nhà văn, nhà thơ đã viết về “Truyện Kiều”:
    “Trải qua một cuộc bể dâu
    Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
    Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
    Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!”
    ( Tố Hữu )

    Đã mấy trăm năm trôi qua rồi, nhưng “Truyện Kiều” vẫn có sức sống mãnh liệt trong dân tộc Việt Nam.Nhà thơ Tố Hữu đã thay chúng ta trả lời cho Nguyễn Du câu hỏi mà người nhắn nhủ:
    “Bất tri tam bách dư niên hậu
    Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
     
  2. Phạm Trung Tình

    Phạm Trung Tình Member

    Tham gia ngày:
    3/10/18
    Bài viết:
    31
    Điểm thành tích:
    6
    Giới tính:
    Nam
    Trên đây là phần 2 của bài. Còn phần 1 nữa nhé các bạn. Mình đã đăng hết trên này rồi. Chúc các bạn học tốt!